Hạt Đào và Hạt Sen


Trên giảng đường, vị giáo sư triết học tuổi gần hoa giáp đang giảng tiết học cuối cùng trước khi ông về nghỉ hưu. Khi giờ học sắp kết thúc, ông lấy ra một chiếc bình thủy tinh lớn, rồi lần lượt lấy ra hai chiếc túi, một chiếc túi đựng hạt đào, còn túi kia đựng hạt sen. Ông nói với các sinh viên:

- Hôm nay, tôi làm một thí nghiệm cho các em xem. Khi còn trẻ tôi từng được xem thí nghiệm này. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn thường xuyên nghĩ đến kết quả của thí nghiệm này, đồng thời dùng nó để khích lệ bản thân. Tôi cũng hy vọng mỗi sinh viên ngồi đây ghi nhớ về thí nghiệm này suốt đời.

Các sinh viên đều cảm thấy ngạc nhiên, giờ triết học tại sao lại làm thí nghiệm nhỉ? Hơn nữa dùng hạt đào và hạt sen cũng có thể làm thí nghiệm ư?

Giáo sư đổ hạt đào vào trong bình, cho đến khi bình đầy không đổ được nữa. Lúc đó, ông hỏi cả lớp:

- Các em thử nói xem, chiếc bình này đã đầy chưa?

Các sinh viên vì được học triết học, nên cách tư duy cũng có phần biện chứng. Họ trả lời:

- Nếu xét trên góc độ đựng hạt đào, thì ta có thể nói rằng chiếc bình này đã đầy.

Giao sư lấy túi hạt sen đổ vào chiếc bình để cho những hạt sen lấp đày khoảng trống do những hạt đào để lại.
Hạt Sen

Sau đó, giáo sư mỉm cười:

- Từ thí nghiệm này, các em có thể rút ra được bài học đáng ghi nhớ nào?

Các sinh viên lần lượt đứng lên phát biểu. Có người nói thí nghiệm này chứng tỏ trên đời này không có gì là đầy tuyệt đối, mà chỉ có đầy tương đối thôi. Có người nói thí nghiệm này cho thấy thời gian giống như nước trong tấm mút, chỉ cần vắt là luôn có thể vắt ra được. Có người nói thí nghiệm này cho thấy không gian có thể phân chia đến mức vô hạn nhỏ. Các sinh viên phát biểu rất hăng hái.

Cuối cùng giáo sư nói:

- Những điều các em nói đều có lý, nhưng chưa ai nói được triết lý mà tôi muốn truyền đạt lại cho các em. Các em thử nghĩ ngược lại, nếu đầu tiên tôi đổ đầy hạt sen vào trong bình thì sau đó tôi còn có thể cho hạt đào vào trong bình nữa không? Các em thử liên tưởng mà xem, cuộc sống chẳng phải cũng giống như thế sao? Chúng ta thường bị chi phối bởi rất nhiều sự việc vụn vặt vô bổ, và thường lãng quên những sự việc thực sự quan trọng đối với bản thân. Từ đó, chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian quý báu. Vì thế, tôi mong rằng các em nên nhớ kỹ một điều, nếu đổ đầy hạt sen vào trong bình trước thì sau đó không thể cho hạt đào vào trong bình nữa.

Cuộc đời con người vốn có hạn, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng cái gì là quan trọng nhất trong cuộc đời. Như thế chúng ta sẽ không còn tầm thường, yếu đuối và khó đưa ra sự lựa chọn nữa. Có lẽ vào một ngày kia, chúng ta sẽ nhận thấy: những gì chúng ta nhận được nhiều hơn những gì chúng ta đã vứt bỏ.

[Sưu tầm]

Cái bẫy chuột


Một con chuột nhìn qua vết nứt của vách tường và trông thấy một bác nông dân cùng với vợ đang mở một chiếc hộp. ” Hẳn là có đồ ăn gì trong hộp?”. Con Chuột Tự hỏi. Nhưng liền sau đó, nó hốt hoảng khi phát hiện ra đó lại là cái bẫy chuột.



Chuột ta bèn chạy ra ngoài vườn và la làng la xóm: ”có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”

Chị gà cục ta cục tác chạy tới: ” Chú Chuột này, đây quả thật là mối lo ngại ghê gớm đối với chú, nhưng nó chẳng phiền hà gì với tôi. Tôi không thể nào bị vướng một cái bẫy chuột.”

Chuột quay sang nói với anh Heo với vẻ lo lắng: ” Anh Heo ơi, trong nhà ta có một cái bẫy Chuột”. Anh Heo tỏ ra thông cảm: “Tôi rất lấy làm tiếc, cậu em ạ! Tôi chẳng thể làm gì được, nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho chú”.

Chuột chạy tới bác Bò tỉ tê. Bác Bò một lần nữa trấn an: ” Tôi rất hiểu cậu, nhưng tôi chẳng thể giúp gì”. Chuột lẳng lặng bước vào nhà. Lòng buồn thỉu buồn thiu, một mình nhìn cái bấy chuột tàn nhẫn của bác nông dân.
Cái bẫy chuột

Thể rồi đêm nọ, một tiếng động vang lên trong ngội nhà, hệt như tiếng sập bẫy. Vợ của bác nông dân chạy tới để xem có bắt được con chuột nào không. Trong đêm tối, loạn cha loạn choạng, bà đã bị một con rắn độc cắn khi bà mon men tới cái bẫy vốn đang sập vào đuôi con rắn.

Bác nông dân nhanh chóng đưa vợ vào trạm xá. Khi về nhà, bà đã bị sốt, mọi người đều biết rằng ăn cháo có thể giảm cơn sốt, vì thế bác nông dân bắt chị Gà mần thịt để nấu cháo cho vợ.

Thế nhưng bệnh tình vợ ông cũng không giảm. Bạn bè ông và xóm giềng đã tới thăm hởi, để thiết đãi họ, ông đã mần thịt anh Heo.

Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh, vợ ông đã qua đời. Nhiều người đến lễ tang và vì thế bác nông đan đã mổ thịt bác Bò để có đủ thức ăn đãi khách, những người đã rất quan tam tới gia đình ông.

Vì vậy, một khi bạn nghe thấy ai đó đang gặp khó khăn dù chuyện đó chẳng ” ăn nhập” gì tới bạn, hãy nhớ rằng khi một người trong chúng ta gặp nguy khốn, nghĩa là tất cả chúng ta đều có nguy cơ gặp nguy khốn. Tất cả chúng ta đều đồng hành trên chuyến hành trình mang tên là cuộc đời. Hãy để mắt tới mọi người, luôn động viên và cùng họ vượt qua khó khăn!

[Sưu tầm]

Bài học từ loài kiến bé nhỏ


Thứ nhất: Kiến không bỏ cuộc. Đó là một triết lý đơn giản nhưng rất hữu hiệu. Nếu một con kiến đang đi về một hướng nào đó, và chúng ta tìm cách chặn đường chúng, Kiến sẽ tức thì tìm cho mình một con đường khác. Chúng trèo qua chướng ngại, chui xuống dưới hoặc chui vòng sang bên hông. Chúng không ngừng tìm kiếm một giải pháp khác để vượt qua chướng ngại vật phía trước. Quả là một triết lý gọn gàng và đơn giản: không ngừng tìm kiếm hết cách này đến cách khác để tiến đến mục tiêu mà chúng ta nhắm tới.

Thứ hai, Kiến luôn chuẩn bị cho mùa đông trong suốt mùa hè. Đó là một góc nhìn nhận quan trọng. Bạn không thể quá ngây ngô tin rằng nắng ấm sẽ kéo dài mãi mãi. Vì vậy Kiến làm việc chăm chỉ để tích lũy thức ăn cho mùa đông trong mùa hè. Một lời khuyên từ xa xưa đã dạy: “Đừng xây nhà trên cát vào mùa hè!” Tại sao chúng ta lại cần lời khuyên này? Đơn giản là vì chúng ta cần tiên liệu trước. Trong mùa hè nắng ấm, bạn phải tiên liệu được giá lạnh và mưa bão mùa đông!

Thứ ba, Kiến luôn tin vào mùa hè trong suốt mùa đông! Điều này rất quan trọng. Trong suốt mùa đông giá rét, Kiến tự nhắc mình: “Mọi thứ sẽ sớm qua thôi, và chúng ta sẽ không phải cầm cự quá lâu!”. Và ngày nắng ấm đầu tiên, những con Kiến lại lên đường. Nếu trời lạnh trở lại, chúng sẽ lại chui vào hang, nhưng chúng sẽ quay trở lại ngay khi trời trở ấm! Chúng không thể đợi để lại được làm việc!
Cuối cùng, Kiến sẽ tích lũy bao nhiêu lương thực trong mùa hè để chuẩn bị cho mùa đông? Câu trả lời là “nhiều hết ga có thể”. Đây là một triết lý tuyệt vời, “nhiều hết ga có thể”! Hãy học hỏi loài Kiến trong lần tiếp theo nếu bạn tự hỏi mình: Tôi nên đọc bao nhiêu cuốn sách? Tôi nên chạy bao xa? Tôi nên làm việc đến mức nào? Tôi nên yêu thương đến mức nào? Câu trả lời luôn là: “Nhiều hết ga có thể!”

Ngày hôm nay, dù các bạn đang ở trong mùa đông hay mùa hè, đang chiến đấu hay đang dưỡng sức, hãy nhớ về những chú Kiến và thừa hưởng sự khôn ngoan của chúng nhé! Những triết lý rất giản dị đúng không? Thành công cũng giản dị như vậy thôi: Không bỏ cuộc, Tiên liệu trước, Luôn lạc quan và Nhiều hết ga có thể!


[Sưu tầm]
Nguồn: Hoa Thủy Tinh

6 BÀI HỌC TỪ NGỤ NGÔN MỸ


Bài học 1


Hai con bồ câu trống và mái tha hạt thóc về đầy tổ, cả hai rất ư hạnh phúc. Gặp mùa khô hanh, hạt thóc ngót lại. Con trống thấy tổ vơi đi liền trách con mái ăn vụng. Con mái cãi lại liền bị con trống mổ chết. Mấy hôm sau mưa xuống, hạt thóc thấm nước và nở to ra. Bồ câu trống ngẩn tò te.

=> Bài học rút ra: "thịt" nhân viên một cách hồ đồ không làm bạn trông thông minh hơn.

Bài học 2

Một ông vua nọ do chán chuyện triều đình nên mua một con khỉ đem về. Con khỉ làm trò rất hay nên được vua sủng ái, đi đâu cũng mang theo, cho mặc quần áo, giao cả kiếm cho giữ. Một hôm, vua ra vườn thượng uyển ngủ. Có con ong bay đến đậu lên đầu vua. Khỉ muốn đuổi ong, lấy kiếm nhắm vào ong mà chém. Ðức vua băng hà.

=> Bài học rút ra: trao quyền cho những kẻ không có năng lực thì luôn phải cảnh giác.

Bài học 3

Quạ thấy chó ngậm khúc xương quá ngon, bèn đánh liều lao xuống mổ vào đầu chó. Bị bất ngờ, chó bỏ chạy để lại khúc xương. Quạ ngoạm lấy khúc xương nhưng nặng quá không tha nổi. Chó, sau khi hoàn hồn, thấy kẻ tấn công chỉ là con quạ nên quay lại táp một cú, quạ chết tươi.

=> Bài học rút ra: đừng chiếm thị trường nếu bạn biết là không giữ được nó.

Bài học 4

Ba con thú dữ là sói, gấu và cáo thay nhau ức hiếp đàn dê. Dê đầu đàn bèn nói với cả bầy: "Ta nên mời một trong ba gã sói, gấu hay cáo làm thủ lĩnh của chúng ta". Cả đàn dê bất bình, nhưng ba "hung thần" nghe tin này rất mừng. Thế là chúng quay sang tranh giành nhau quyền lãnh đạo, cuối cùng cáo dùng bẫy hại chết được sói và gấu. Nhưng rồi một mình nó không còn ức hiếp đàn dê được nữa.

=> Bài học rút ra: hãy thận trọng khi nghe tin bạn sắp được làm sếp.

Bài học 5

Một nhân viên bán hàng, một thư ký hành chính và một sếp quản lý cùng đi ăn trưa với nhau, họ bắt được một cây đèn cổ. Họ xoa tay vào đèn và thần đèn hiện lên. Thần đèn bảo: "Ta cho các con mỗi đứa một điều ước". Tôi trước! Tôi trước! – Cô thư ký hành chính nhanh nhảu nói: Tôi muốn được ở Bahamas lái canô và quên hết sự đời. Vút. Cô thư ký biến mất. Tôi! Tôi! anh nhân viên bán hàng nói: Tôi muốn ở Hawaii nằm dài trên bãi biển có nhân viên massage riêng, nguồn cung cấp Pina Coladas vô tận và với người tình trăm năm. Vút. Anh nhân viên bán hàng biến mất. Ok tới lượt anh. Thần đèn nói với ông quản lý. Ông quản lý nói: tôi muốn hai đứa ấy có mặt ở văn phòng làm việc ngay sau bữa trưa.

=> Bài học xương máu: luôn luôn để sếp phát biểu trước.

Bài học 6

Một con đại bàng đang đậu trên cây nghỉ ngơi, chẳng làm gì cả. Con thỏ nhìn thấy thế hỏi: Tôi có thể ngồi không và chẳng làm gì như anh được không? Ðại bàng trả lời: Ðược chứ, sao không. Thế là con thỏ ngồi xuống gốc cây nghỉ ngơi. Bỗng dưng một con cáo xuất hiện, vồ lấy con thỏ mà ăn thịt.

=> Bài học xương máu: để được ngồi không mà chẳng cần làm gì, anh phải ngồi ở vị trí rất cao.



[Sưu tầm]

TÔI ĐƯỢC HỌC RẰNG


Tôi đã được học rằng, để xây dựng lòng tin phải mất đến hàng năm, nhưng chỉ cần vài giây để hủy hoại nó.

Tôi đã được học rằng, cho dù bạn quan tâm nhiều đến đâu, có những người sẽ không đáp lại sự quan tâm đó.

Tôi đã được học rằng, bạn không thể làm mọi người yêu bạn. Tất cả những điều mà bạn có thể làm là trở thành một người mà người khác có thể yêu được, phần còn lại là tùy thuộc vào người kia.

Tôi đã được học rằng, đừng bao giờ đếm những thứ bạn có được trong cuộc sống, mà hãy đếm bạn có được bao nhiêu người bạn trong cuộc sống.
Tôi đã được học rằng, đôi lúc trong cuộc sống mình có thể làm những điều khiến mình phải đau khổ suốt cả cuộc đời.

Tôi đã được học rằng, hãy nói lời tạm biệt ngọt ngào với ai đó, bởi đó có thể là lần cuối cùng bạn gặp họ.

Tôi đã được học rằng, nếu bạn không kiểm soát thái độ của mình, thì nó sẽ điều khiển bạn.

Tôi đã được học rằng, một mối quan hệ lúc đầu có mặn nồng đến đâu, thì cũng sẽ nhạt dần và luôn có một thứ gì đó lấp vào khoảng trống.

Tôi đã được học rằng, hãy luôn học cách tha thứ.

Tôi đã được học rằng, thỉnh thoảng bạn có quyền được giận dữ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có quyền được độc ác.

Tôi đã được học rằng, tình bạn thật sự sẽ vẫn tiếp tục phát triển, bất chấp khoảng cách. Tình yêu thật sự cũng như vậy.

Tôi đã được học rằng, đừng bao giờ nói với một đứa trẻ rằng ước mơ của chúng là không có thực, đó sẽ là một bi kịch.

Tôi đã được học rằng, một người bạn thân vô tình làm bạn tổn thương, thì hãy biết cách tha thứ cho họ.

Tôi đã được học rằng, biết cách tha thứ cho người khác thôi chưa đủ, phải biết cách tha thứ cho bản thân mình.

Tôi đã được học rằng, có rất nhiều cách để mọi người yêu thương nhau.

Tôi đã được học rằng, những người bạn quan tâm nhất trong cuộc sống, một ngày nào đó cũng có thể bỏ bạn mà đi. :(

Tôi đã được học rằng, cuộc sống của bạn có thể thay đổi trong vài giờ bởi một người nào đó mà bạn không hề quen biết.

Tôi học được được rằng cuộc đời không bỏ rơi bạn, nó chỉ dạy cho bạn những bài học để bạn hiểu được nó :D

[Sưu tầm]

HỌC TỪ CÂY



“Đừng bao giờ nghĩ mình sẽ thất bại. Như cái rễ nằm sâu trong lòng đất, âm ỉ một ngày nảy mầm cây…”
Đời này không thiếu những chuyện đau đớn đến mức tưởng chừng như không thể chống cự, không thể nào vượt qua được như mất đi một người thân, tan vỡ một giấc mơ, mang một trọng bệnh, phá sản, thất nghiệp, xa rời một tình yêu hay thôi trọng một người bạn…. Nếu tất cả những mất mát đó có thể sờ nắm được như cái áo mất cúc, cái dép đứt quai, cái quần toạc ống hay cân đong, đo đếm được có lẽ đời chúng ta đơn giản hơn nhiều!

Nhưng không hề như thế, không phải ai trong chúng ta cũng đứng vững trong giông bão, không phải ai trong chúng ta cũng vượt qua khó khăn của cuộc đời. Có người vượt qua, có người gục ngã, có người loay hoay mãi rồi rơi vào vô vọng…Dù ai cũng biết phải làm thế nào để vượt qua, như phải bình tĩnh tự tin, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ, kiên trì… Nhưng từ biết đến làm được là một khoảng cách vời vợi không phải ai cũng đạt được, nhưng cũng chưa thấy ai cố gắng miệt mài mà không thể vượt qua.
Bạn đã từng quan sát một cái cây, nó lớn lên và vượt qua giông bão thế nào chưa? Nếu bão tố làm rụng hết lá chỉ mấy ngày sau những chiếc lá non sẽ được sinh ra, một vài tháng sau sẽ không ai còn nhận ra rằng nó đã từng bị một cơn bão thổi bay không còn cái lá. Nếu bão tố lớn hơn không những làm rụng hết lá mà rất nhiều cành phải lìa thân, nó trở lên trơ trụi, toàn thân nó rỉ máu, nhưng chỉ cần cái gốc và bộ rễ ở lại thì từng dòng sữa lại được chuyển lên thân để từ những vết gẫy ấy mọc ra những chồi xanh, và cũng chỉ một hai năm sau sẽ không ai nhận ra được cái cây ấy đã từng te tua vì bão, đã từng gẫy cành dập lá. Nếu bão đến đỉnh điểm làm bật cả gốc cây, vâng nó chính thức bị hạ gục nằm chỏng trơ giữa đường. Người ta sẽ mang cưa đến cắt thành từng khúc nhỏ và chuyển nó đi. Bạn nghĩ nó đã kết thúc rồi chăng, nếu vội vàng nghĩ thế bạn đã nhầm! Vì có thể thân kia gốc kia đã chết, nhưng những chùm rễ ăn sâu vào lòng đất thì vẫn còn đó. Nó chưa chết, nằm sâu trong lòng đất kia những mầm non sẽ được sinh ra từ những cái rễ, một thậm chí là nhiều cây khác lại tái sinh. Có lẽ mất nhiều thời gian hơn vài năm sau, ai qua đó sẽ không nhận ra rằng đã từng có một cái cây bị gục ngã tại đây…

Bạn thấy đấy, công thức sinh tồn của cái cây đơn giản lắm không màu mè hoa lá hay phức tạp như loài người chúng ta. Đó là bám sâu vào đất và không bao giờ từ bỏ…Bạn cũng thế, đừng phức tạp vấn đề hãy tâm niệm mỗi lúc bạn khó khăn rằng, thử lại lần nữa và thử lại lần nữa, bạn sẽ thành công! 


[Sưu tầm] 
Nguồn: H2Qcorp – GocTamHon.org

CÂU CHUYỆN “THỢ SĂN QUẢN LÝ BẦY CHÓ”

BÀI HỌC VỀ LƯƠNG VÀ THƯỞNG
1. Một chú chó săn chạy khắp cánh đồng dưới chân núi mà không bắt được con thỏ nào.

Người chăn dê thấy thế thì cười, trêu chú chó:
- Chú thật bất tài. Con thỏ nhỏ hơn chú bao nhiêu mà còn chạy nhanh hơn.
Chó săn đáp:
- Ông không biết mục đích chạy của bọn tôi hoàn toàn khác nhau! Tôi chạy chỉ vì miếng ăn, còn thỏ chạy vì tính mạng!
Thợ săn nghe cuộc trò chuyện của người chăn dê và chú chó, nghĩ bụng: “Con chó này nói đúng. Nếu ta muốn có nhiều thỏ hơn thì phải nghĩ cách khác”. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu thợ săn. Đó là tia lửa đầu tiên của khoa học quản lý.

2. Thế là thợ săn ra chợ mua thêm mấy con chó săn khác. Sau đó, ông ta ra chính sách mới: Hễ con nào bắt được đủ số thỏ sẽ được “trả lương” bằng mấy chiếc xương. Không bắt được thỏ thì không có ăn.
Chiêu mới quả cao tay. Bầy chó tranh nhau săn bắt, đem rất nhiều thỏ về, bởi chẳng con nào muốn thấy chó khác gặm xương, trong khi mình hóp bụng trương mắt ếch.

3. Được một thời gian, lại có vấn đề xuất hiện. Bầy chó nhận ra: thỏ lớn khó bắt hơn thỏ bé, vậy mà bắt được bất kể thỏ lớn hay thỏ bé thì đều nhận trả công như nhau. Lúc đầu chỉ có một vài con giỏi nhận xét mới chuyên bắt thỏ nhỏ, sau cả đàn đều làm theo.

Thợ săn hỏi:
- Gần đây thỏ bọn bay bắt được càng ngày càng nhỏ, vì sao vậy?
Bầy chó trả lời:
- Thỏ lớn thỏ nhỏ không khác nhau, ai phí công đi bắt thỏ lớn đây?
Sau một thời gian suy nghĩ, thợ săn quyết định không dùng xương để trả cho số lượng thỏ, mà dùng phương pháp đánh giá hiệu quả: cứ một thời gian lại thống kê trọng lượng thỏ của từng con săn về, từ đó trả công theo từng giai đoạn.
Cách quản lý mới của thợ săn lập tức có tác dụng, số thỏ bầy chó săn về tăng cả số lượng lẫn chất lượng. Thợ săn rất đắc ý.

4. Thế nhưng, ngày này qua ngày khác, thợ săn lại thấy số thỏ bầy chó săn về giảm rõ rệt, mà những con chó càng nhiều kinh nghiệm thì lại đem về càng ít thỏ.

Thợ săn hỏi bầy chó. Bầy chó đáp:
- Quãng đời đẹp nhất của bọn tôi đều là cho ông, chủ nhân. Nhưng giờ bọn tôi ngày một già. Khi không bắt được thỏ nữa, ông có còn cho tôi xương không?
Thế là thợ săn thống kê lại toàn bộ số thỏ bắt được của từng con, tiến hành phân tích, đưa ra quy định mới về trả công: Nếu bắt được số thỏ vượt một mức nhất định, chó săn khi về già sẽ được trả số xương nhất định.
Bầy chó vui sướng, tất cả lại lao đi săn, cố để hoàn thành nhiệm vụ ông chủ giao. Qua một thời gian, một số chú chó đã hoàn thành chỉ tiêu.

5.
Một thời gian sau, có một con nói:
- Chúng tôi cố gắng thế mà chỉ được trả mấy khúc xương, mà số thỏ tôi săn được quý gấp bao nhiêu lần xương. Vì sao chúng tôi không bắt thỏ cho chính mình nhỉ?
Thế là có mấy chú chó bỏ thợ săn, tự mình lập xưởng bắt thỏ.

======================================================================
Vậy câu chuyện có ý nghĩa gì? Đó chính là các bước phát triển của khoa học quản lý.

Không chỉ có thợ săn, ngay cả chó săn cũng có nhu cầu lập nghiệp.
Nhìn từng chú từng chú chó săn bỏ đi, vì sao chúng ta không tạo cho họ cơ hội lập nghiệp trong nội bộ công ty? Nếu trong công ty có “Hội khích lệ nhân viên lập nghiệp”. Hội sẽ tìm những cách thức thích hợp để khích lệ và giúp đỡ nhân viên lập nghiệp. Như vậy, một mặt công ty ta có thêm nhiều cơ hội đầu tư; mặt khác, nhân viên có thể tự quản lý một hạng mục mới, bước một bước dài trong sự nghiệp.
Nó không chỉ giữ chân được những người ưu tú trong công ty, mà còn tạo thêm nhiều lợi nhuận và tránh được những cuộc cạnh tranh phức tạp sau này. Tiện nói luôn: anh là người tài, nhưng cậy tài mà khinh khi sẽ chuốc đố kị mà thôi. Như câu chuyện trên coi nhân viên là bầy chó là không được. Bạn sẽ bị đố kị ngay lập tức.

LỜI KẾT

Công ty có được tinh thần cống hiến của nhân viên hay không, vấn đề cốt yếu là có tạo điều kiện cho họ sáng tạo hay không, có cho họ cảm giác thành đạt và thực hiện được ước mơ hay không. Trả lương, thưởng, đánh giá hiệu quả, tạo điều kiện để nhân viên thực hiện kế hoạch… đều là những công cụ hữu hiệu để nhà quản lý kích thích tinh thần làm việc của nhân viên.

Có những người mục đích làm việc không chỉ xuất phát từ tiền, mà còn từ tình yêu công việc. Trong tiềm thức, mỗi nhân viên đều hy vọng được làm và phát triển công việc mình yêu thích.

Tạo “đất” cho nhân viên làm việc là một kỹ thuật quản lý mới. Một mặt nó giúp nhân viên hiểu rõ vị trí và phương hướng làm việc của mình trong công ty, phát huy năng lực, thỏa mãn tình yêu công việc và khát vọng thành đạt của nhân viên; mặt khác nó là cách giữ gìn và phát triển hữu hiệu nguồn lực con người, đáp ứng cả nhu cầu hiện tại và tương lai của công ty.

Dùng kỹ thuật quản lý mới này, bạn có thể để ra được bao kế hoạch, đồng thời tạo cho nhân viên cơ hội học tập và phát triển. Khích lệ tinh thần tiến thủ của nhân viên, bạn sẽ không ngừng tăng cao hiệu suất và thực hiện mục tiêu chiến lược của công ty.

[Sưu tầm]