Đôi mắt của con là của mẹ


Những ngày này, giữa dòng chảy gấp gáp của cuộc sống, một bản nhạc về tình phụ tử, tình mẫu tử vang lên cũng khiến người ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn khi nghĩ về cha mẹ – những người luôn đùm bọc và yêu thương ta vô điều kiện, những người đi đến giây phút cuối cùng của cuộc đời vẫn không thôi lo lắng cho ta.

Nếu còn cơ hội, chỉ cần 1 giờ, 1 ngày thôi chúng ta hãy báo đáp lại một phần nào tình cảm đó. Đừng để thời gian trôi qua khiến chúng ta phải nuối tiếc như câu chuyện này.

Đôi mắt con là của mẹ!

Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.
Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng.
Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến.

Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!”.

Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”.

Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ.Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore.

Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore.Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.

Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ.Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài.
Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?

Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ.
Mấy người hàng xóm nói mẹ đã mất vài ngày trước đó,không thân nhân nên sở an sinh xã hội đã lo an táng chu đáo.
Đôi mắt của con là của mẹ

Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:
“Con yêu quý,Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi.Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.

Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ.Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con.
Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..
Mẹ yêu con lắm,
Mẹ…”


Đâu chỉ đến những ngày Vu Lan mới cần báo hiếu, bởi hiếu nghĩa là điều cần làm, cần thể hiện mỗi ngày. Bởi cuộc sống là hữu hạn, nhưng tình yêu mà mẹ cha dành cho chúng ta là vô hạn! Xin gửi lời chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với các đấng sinh thành!

Những vết đinh



Một cậu bé nọ có tính rất xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh rồi nói với cậu: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cái đinh lên chiếc hàng rào gỗ”.
Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu bé đã tập kiềm chế dần cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào.

Đến một ngày, cậu bé đã không nổi giận một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo: “Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề giận với ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ cây đinh ra khỏi hàng rào”.
Những vết đinh
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé đã vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng đã không còn một cây đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu liền đến bên hàng rào. Ở đó, ông nhỏ nhẹ nói với cậu:
“Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi. Con hãy luôn nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con. Hãy nhớ lấy lời cha…”

MONG CON


Bố mong con biết thế nào là mặc lại quần áo cũ của anh chị, là ăn lại thức ăn thừa của ngày hôm qua… là đói, là mệt, là đổ mồ hôi… Bố thật sự mong như thế.

Bố mong con biết thế nào là thất bại để học lấy sự khiêm tốn, biết thế nào là thành công để học lấy sự tự tin, và cư xử trung thực ngay cả trong những chuyện chỉ mình con biết.

Bố mong con biết lau dọn nhà cửa và biết rửa xe, và bố mong đừng ai tặng con một món quà đắt tiền. Bố mong con một lần nhìn thấy chú heo con ra đời, và biết chăm sóc con chó già ốm yếu, xấu xí thường nằm bẹp ở góc nhà.

Bố mong con đánh nhau đến sưng mắt để bảo vệ một điều mà con vẫn hằng tin.

Bố mong con chia sẻ phòng của con với em con. Cũng được nếu con kẻ một vạch phấn để ngăn đôi căn phòng, nhưng nếu em con muốn chui vào chăn ngủ cùng con vì nó sợ cái gì đó lúc nửa đêm thì bố mong là con hãy ôm lấy em. Và khi con muốn chơi trò chơi điện tử, còn em con muốn con chơi cùng thì bố hy vọng là con sẽ chọn em. Nếu con muốn một chiếc xe hơi đồ chơi, bố mong con tự lấy đất sét để làm thay vì xin tiền mẹ để mua nó.

Bố mong con biết đào hố trồng cây và đọc sách. Và khi con sử dụng máy tính con vẫn biết tính nhẩm.

Bố mong con bị bạn bè chê cười khi con xô đẩy, trêu chọc một bạn gái. Và khi con chạy về mách mẹ con thì mẹ con sẽ yêu cầu con đi xin lỗi bạn.

Bố mong con bị trầy da khi leo lên cổng để nhặt chiếc nón cho bạn, bỏng tay khi nấu bếp giúp mẹ khi bố chưa đi làm về. Những bài học nho nhỏ ấy sẽ dạy con rất nhiều điều về sự cẩn trọng và giữ an toàn cho bản thân con, vì con và những người yêu thương con.

Bố ước gì con thấy khó chịu khi ai đó phì khói thuốc lá vào mặt con.Bố cũng chẳng ngại nếu con thử một chén rượu nhưng bố mong con không thích. Và nếu như một người bạn rủ con thử một loại ma túy thì bố mong con đủ thông minh để nhận ra rằng người đó không phải là bạn của con.

Bố thực sự mong con dành thời gian để nói chuyện với cả nhà mỗi ngày. Đó là những điều bố mong con nhận được mỗi ngày.


[Sưu tầm]