Những vết đinh



Một cậu bé nọ có tính rất xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh rồi nói với cậu: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cái đinh lên chiếc hàng rào gỗ”.
Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu bé đã tập kiềm chế dần cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào.

Đến một ngày, cậu bé đã không nổi giận một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo: “Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề giận với ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ cây đinh ra khỏi hàng rào”.
Những vết đinh
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé đã vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng đã không còn một cây đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu liền đến bên hàng rào. Ở đó, ông nhỏ nhẹ nói với cậu:
“Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi. Con hãy luôn nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con. Hãy nhớ lấy lời cha…”

Tình cha


Giờ trả bài tập làm văn là giờ sôi động nhất vì thầy giáo thường đọc cho cả lớp nghe hai bài, bài đươc điểm cao nhất và bài có điểm thấp nhất.

Tất nhiên, bài cao điểm được nghe những tràng pháo tay và bài có điểm thấp là những trận cười, chưa kể sau đó còn hình thành nên nhiều giai thoại từ những câu mà thầy nhận xét là "què cụt, thiếu sức thuyết phục...". Và giai thoại này đôi khi còn lan truyền ra các lớp khác mà tác giả của nó chỉ còn cách là lấy hai tay che mặt lại.
Vào giờ này cả lớp đứa nào cũng hồi hộp khi xấp bài trên tay thầy đã vơi nhiều rồi mà bài của mình vẫn chưa thấy đâu.

Hôm nay, như thường lệ, thầy mở cặp lấy xấp bài ra là cả lớp nhấp nhổm. Với đề ra là "Hãy kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em", thầy đã nói rằng lớp có bốn mươi học sinh thì trắc sẽ có bốn mươi kỉ niệm khác nhau, không như khi chứng minh trích đoạn nào đó bị thầy chê là đơn điệu chúng tôi thường chống chế " Thầy ơi, học cùng nhau thì làm sao mà dẫn chứng không trùng lặp được ".

Điều khác thường là thầy đưa xấp bài cho lớp trưởng, chỉ giữ lại một bài. Chỉ một ! Đừa nào cũng nhón người nghểnh cổ cho cao lên một chút để cố nhìn cho ra tên của ai và được mấy điểm nhưng không được. Bài hay nhất? Dở nhất?

Giỏi văn nhất lớp là Tuyết Anh. Nhưng rồi dự đoán của chúng tôi tiêu tan khi Tuyết Anh với tay nhận bài từ lớp trưởng. Vậy là thầy dữ lại bài dở nhất rồi ! Cả lớp chuyển ánh mắt nhìn về phía Long với tiếng cười khúc khích. Nhưng rồi Long cũng nhận được bài của mình.

Vậy thì của ai? Hay? Dở? Làm sao biết trước được bài sẽ đọc lên hôm nay là của ai? Trời, môn Văn... Có khi bài trước mới được sáu điểm với lời phê "Lối hành văn trong sáng, nên đọc nhiều để dẫn chứng phong phú hơn" thì bài sau nhận được ngay điểm bốn với lời phê "Quá lan man dông dài"! Điểm bày môn văn của thầy là một ước mơ xa! Ngay cả Tuyết Anh cũng nói vậy.

Chúng tôi nhìn theo tay của lớp trưởng cho đến khi bài cuối cùng được phát ra. Chỉ mình Tùng là chưa có. Không hẹn mà cả lớp đều ngạc nhiên nhìn về phía Tùng, tác giả của bài văn trên tay thầy.

Tránh cái nhìn của cả lớp, Tùng ngoảnh ra cửa sổ. Không thấy mặt Tùng nhưng có thể thấy rõ hai vành tay và cổ của Tùng đỏ ửng.

Tùng là học sinh trường huyện mới chuyển về lớp tôi được một tháng nay. Không có gì nổi trội, nơi Tùng cái gì cũng bình thường và chưa có gì tỏ vẻ ra là đặc biệt về môn Văn cả. Vậy mà điểm tám. Phải, điểm tám! Chúng tôi nhìn rõ số tám đỏ chót trong ô điểm khi thầy đưa tay sửa lại cặp kính trên sống mũi, cử chỉ quen thuộc mỗi khi thầy xúc động. Giọng thày trầm trầm:
"Kỉ niệm sâu sắc nhất của em là khi nhận được thư của ba em. Nhà em nghèo lắm nhưng ba má em cho ra ngoài phố học để sau này em có thể làm điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho em ra phố, ngoài việc phải kiếm việc làm thêm để có tièn trang trải chuyện học hành của em, ba em còn phải làm những việc mà khi ở nhà em có thể đỡ đần cho gia đình. Chưa bao giờ ba má viết gì cho em cả. Hồi em còn ở nhà, mỗi khi cần thư về quê đều do tay em viết..."

Thầy ngừng đọc nhìn cả lớp:
- Các em, thầy sẽ chép lại nguyên văn lá thư của ba bạn Tùng lên bảng cho chúng ta cùng đọc.

Một chuyện lạ! Tất cả chúng tôi hồi hộp tò mò đọc từng chữ hiện ra dưới tay thầy:

"Con iu thươn của ba. Chìu hôm qua ba kiu người báng con heo để có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn? Cả nhà nhớ con nhìu lắm cố họch nge con chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con"
Lá thứ vỏn vẹn 45 chữ.

Khi thày quay lại thì Tùng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng đỏ hoe.

Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và gửi gắm của một người cha vôn chỉ quen với cày cuốc lần đầu tiên cầm bút viết thư cho con.

[Sưu tầm]
Nguồn: dtu.com.vn (Website du học Đức Tú)

LỜI KHUYÊN CỦA CHA


Mỗi ngày con hãy nhớ lời khen tặng vài ba người.

Mỗi năm ít nhất một lần con hãy chờ xem mặt trời mọc.

Nhìn thẳng vào mắt mọi người.

Nói lời "cảm ơn" càng nhiều càng tốt.

Hãy sống dưới mức con kiếm được.

Đối xử với mọi người như con muốn được họ đối xử như thế.

Kết thêm những người bạn mới nhưng trân trọng những người bạn cũ.

Hãy giữ kĩ những điều bí mật.

Dám chịu nhận những lầm lẫn của mình.

Con hãy can đảm. Nếu tự con không được can đảm lắm thì cũng phải tỏ ra can đảm. Người ta không phân biệt một người can đảm với một người tỏ ra can đảm.

Con phải dành thì giờ và tiền bạc làm việc thiện trong cộng đồng của con.

Đừng bao giờ lường gạt một ai

Học cách lắng nghe. Cơ hội nhiều khi đến gõ cửa nhà con rất khẽ.

Đừng bao giờ làm cho ai mất hi vọng, nhiều người chỉ sống nhờ hi vọng đấy con ạ.

Con đừng cầu mong của cải, mà phải cầu mong sự khôn ngoan, hiểu biết và lòng can đảm.

Đừng bao giờ hành động khi con đang giận dữ.

Con phải giữ tư thế đàng hoàng. Muốn đến một nơi nào đó phải có mục đích và tự tin rồi hãy đến.
Đừng bao giờ ngồi lê đôi mách.

Cẩn thận với những kẻ nào mà họ không còn gì để mất.

Khi gặp một nhiệm vụ khó khăn, con hãy hành động như không thể nào thất bại.

Đừng giao du quá rộng. Phải học cách trả lời " không" một cách dứt khoát và lễ phép.

Đừng bao giờ mong đợi cuộc đời đối xử sòng phẳng với con.

Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự tha thứ.

Con hãy mạnh dạn trong cuộc sống.

Khi nhìn những quãng đời đã qua, hãy tiếc những gì chưa làm được chứ đừng tiếc những điều đã làm xong.

Đừng quan tâm đến bè nhóm. Những ý tưởng mới mẻ, cao thượng và có tác động đến cuộc sống luôn luôn là những ý tưởng của các cá nhân biết làm việc.

Những nhạc sĩ trình diễn bên đường thường có những điều đáng trân trọng. Con hãy dừng lại, lắng nghe và nhớ tặng gì đó cho họ.

Khi gặp vấn đề trầm trọng về sức khỏe, con hãy nhớ nhờ ít nhất ba vị thầy thuốc khác nhau xem xét.

Hãy chiến đấu chống lại thói vô trật tự.

Đừng tập thói trì hoãn công việc.

Làm ngay những việc cần phải làm vào đúng lúc cần phải làm.

Không ai chờ đến lúc hấp hối để nói " giá như tôi còn thêm được thời gian...".

Đừng sợ phải nói "tôi không biết".

Đừng sợ phải nói "xin lỗi, rất tiếc".

Hãy ghi sẵn những điều gì con muốn được trải qua trong cuộc đời.


[Sưu tầm]